Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Vé máy bay có thể tăng thêm 22,7%, cước vận tải lên 10%


(VnMedia) - Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính - Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định tăng trần giá vé máy bay là không thể đừng vì các hãng hàng không đang gặp lỗ. Phương án giá đã được cân nhắc với mức tăng dự kiến là 22,7%.Trong khi đó nhiều doanh nghiệp vận tải cũng bắt đầu tính toán chi phí nhiên liệu đầu vào để lên kế hoạch tăng giá cước vận tải sau khi giá xăng tăng vào tối ngày 29/3 vừa qua.
Facebook Twitter 0 bình chọn Viết bình luận Lưu bài này
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính - Nguyễn Tiến Thỏa, hiện tại, tất cả các hãng hàng không đều có văn bản đề nghị điều chỉnh trần tối đa giá vé máy bay trên trục nội địa. Trong đó, có hãng đề nghị điều chỉnh tăng trên 20%, có hãng đề nghị tăng 40-50%.

Việc các hãng hàng không đề nghị tăng giá vé là phù hợp với tình hình thực tế. Vấn đề Cục đang cân nhắc kỹ lưỡng.

Ông Thỏa lý giải, “ Sở dĩ chúng tôi đồng tình việc tăng giá trần vé máy bay nội địa là vì trong chi phí cấu thành giá vé đã có rất nhiều yếu tố thay đổi theo hướng tăng. Chẳng hạn như các chi phí tác động bởi tỷ giá chiếm 71% tổng chi phí của các hãng vận chuyển, như chi phí nhiên liệu, thuê mua tàu bay, sửa chữa bảo dưỡng, đại tu máy bay, thuê phi công nước ngoài... Vừa qua, Việt Nam cũng điều chỉnh tỷ giá, tăng 9,3% so với trước. Bên cạnh đó, giá dầu (chiếm 36% chi phí toàn mạng bay) cũng tăng khoảng 31%. Ngoài ra, đơn giá thuê tàu bay cũng tăng 1%, còn chi phí đại tu tàu bay cũng tăng 28%...”.

Với nguyên tắc trên và căn cứ vào các yếu tố chi phí trong giá thành vận tải và biến động của các yếu tố đầu vào thì mức tăng bình quân mà Cục quản lý giá dự tính sẽ là khoảng 22,7%.

Mức tăng 22,7% này được phía Cục căn cứ vào rất nhiều yếu tố, cơ cấu giá thành, chi phí đầu vào của doanh nghiệp... Trong đó, ảnh hưởng của tỷ giá đến chi phí vận tải tăng 9,2%, chi phí nhiên liệu 7,5%, lương thuê phi công nước ngoài tăng 1,5... và nhiều yếu tố khác nữa.

Mức tăng này đã được các chuyên gia của Liên bộ Tài chính - Giao thông Vận tải rà soát kỹ. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang kiểm tra lại lần cuối kết quả của Tổ thẩm định để có văn bản gửi lãnh đạo Bộ Tài chính xử lý theo đúng quy định.

Trong khi các hãng hàng không đề nghị tăng giá thì nhiều doanh nghiệp vận tải tại TPHCM cũng đang lên kế hoạch tăng giá cước vận tải để bù đắp cho chi phí nhiên liệu sau khi giá xăng tăng lên 21.300 đồng/lít, dầu diesel tăng lên 21.100 đồng/lít, vào tối 29/3 vừa qua.

Đại diện một doanh nghiệp vận tải cho biết, đối với doanh nghiệp vận tải hàng hóa, nhất là vận tải đường bộ bằng container, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 45-50% giá thành vận tải. Nếu giá xăng tăng, chắc chắn doanh nghiệp phải tăng giá cước.

Cụ thể, xăng A92 tăng 2.000 đồng/lít (từ 19.300 đồng/lít lên 21.300 đồng/lít) tương ứng với tỷ lệ tăng 10,36%. Còn dầu diesel tăng 2.800 đồng/lít (từ 18.300 đồng/lít lên 21.100 đồng/lít, tương ứng với tỷ lệ tăng 15,30%. Với mức tăng từ 10 -15%, tính ra mỗi xe container chạy 5 km là doanh nghiệp đã lỗ 280.000 đồng. Nếu điều chỉnh tăng giá cước, doanh nghiệp này sẽ tăng từ 8-10%.

Trong ngày 30/3 vừa qua, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM đã có văn bản gửi các doanh nghiệp vận tải hàng hóa để khuyến cáo doanh nghiệp chỉ nên tăng giá giá cước tối đa từ 8 – 10 %. Việc điều chỉnh giá phải có văn bản gửi các cơ quan chức năng như Cục thuế TPHCM, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải.


Công ty cổ phần PanaMAX:

Trụ sở chính:

Lô 32 liền kề 8 Văn Khê, Phường La Khê, Quận Hà Đông, Tp Hà Nội.
Điện thoại: 04 63251730
Hotline: 093.668.0582

Văn phòng HCM City:

Số 168 Cô Giang, Phường Cô Giang, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 08 62763915
Hotline: 093.668.0582