Các hãng hàng không đã có đề xuất tăng vé máy bay đạt mức giá kỷ lục để đối phó với lạm phát. Điều này khiến hành khách, doanh nghiệp du lịch như ngồi trên đống lửa. Và đặc biệt với những doanh nhân, đối tượng được coi là khách ruột của hãng không, thì từ nay có lẽ phải dành hẳn quỹ riêng tương đối lớn cho chuyện đi lại làm ăn.
Facebook Twitter 0 bình chọn Viết bình luận Lưu bài này
Trong lần tăng giá vé lần này, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, mức giá tăng chỉ vào khoảng 3-4%. Tuy nhiên, với mức đề xuất này,đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, mức giá vé cao nhất chặng bay một chiều TP.HCM – Hà Nội là 2,67 triệu chưa bao gồm 10% thuế GTGT và các phí khác. Giá vé này chỉ tăng 20 nghìn đồng so với mức giá hiện hành. Tuy nhiên, với giá vé có thuế, giá vé máy bay một chiều hạng phổ thông chặng Hà Nội – TP HCM lần đầu tiên vượt ngưỡng 3 triệu đồng. Dù vậy, Cục quản lý cho biết đây là mức tăng thấp trong biên độ cho phép, bởi trước đó vào tháng 12/2011, giá vé máy bay đã được nới trần 20%. Trong đó, giá vé tối đa trên chặng bay Hà Nội - TPHCM là 3,4 triệu đồng/vé một chiều. Nhưng thực tế, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không “kìm giá” không được vượt quá mức trần 2,72 triệu đồng/vé một chiều để bớt gây sốc cho người tiêu dùng. Kể từ đó đến nay, đây là lần thứ 2 các hãng hàng không tăng giá vé.
Các hãng hàng không cho rằng việc điều chỉnh giá nhằm điều tiết cung cầu và bởi giá nhiên liệu liên tục tăng trong khi đó Bộ Tài chính không lùi thuế nhập khẩu khiến hãng bay phải cân đối tài chính. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá vé đúng thời điểm dư âm của suy thoái kinh tế vẫn nặng nề đang dự báo một mùa kinh doanh ảm đạm của hàng không. Tổng giám đốc một hãng hàng không cho biết, cũng dịp này năm ngoái, tỉ lệ vé bán giá kịch trần của hãng chỉ đạt khoảng 15% tổng chỗ bán ra nhưng năm nay chỉ đạt gần 5%, bởi đa số khách hàng chỉ bay khi mua được giá thấp. Do đó, tăng mạnh giá vé lúc này sẽ vượt quá sức chi trả của người tiêu dùng, sản lượng vận chuyển của các hãng sẽ giảm.
Giá vé máy bay cao sẽ gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp du lịch, nhất là doanh nghiệp nhỏ. Đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành du lịch. Bởi, tăng giá vé máy bay kéo theo giá tour tăng đồng nghĩa sức cạnh tranh du lịch nội địa bị giảm. Đối với từng doanh nghiệp kinh doanh du lịch, ở thời điểm này, đa số các tour cuối năm và đầu năm 2013 đã ấn định khung giá. Việc điều chỉnh giá vé máy bay sẽ buộc doanh nghiệp phải làm lại toàn bộ giá tour cũng như tiến hành thương lượng với khách hàng đã đặt tour. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi giá vé cao kéo theo khả năng khách lữ hành hủy tour khá cao. Thậm chí, giá vé tăng cũng có thể giết chết một số doanh nghiệp nhỏ không có khách hàng ổn định. Đơn cử, việc tăng giá đầu năm 2011 lên tới 20% và chỉ báo trước cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch vài ngày khi tour đã được chào bán trước đó khiến hàng loạt doanh nghiệp nhỏ chịu lỗ nặng hoặc “tráo trở” với khách hàng để tránh lỗ. Hơn nữa, với những người thường xuyên đi máy bay sẽ quay lưng với phương tiện này bởi chi phí quá cao. Với cách kinh doanh độc quyền, làm ăn theo kiểu thêm “giọt nước vào ly nước đầy” khó có thể giúp hàng không thu hút hành khách. Với hướng này, biết đâu chính hàng không lại gánh hậu quả “gậy ông đập lưng ông”.
Công ty cổ phần PanaMAX:
Trụ sở chính:
Lô 32 liền kề 8 Văn Khê, Phường La Khê, Quận Hà Đông, Tp Hà Nội.
Điện thoại: 04 63251730
Hotline: 093.668.0582Văn phòng HCM City:
Số 168 Cô Giang, Phường Cô Giang, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 08 62763915
Hotline: 093.668.0582